Khảo sát kinh nghiệm về xây dựng và vận hành Quỹ bảo hiểm hạt nhân tại Đài Loan

Khảo sát kinh nghiệm về xây dựng và vận hành Quỹ bảo hiểm hạt nhân tại Đài Loan 26/06/2014 14:50:00 1692

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Khảo sát kinh nghiệm về xây dựng và vận hành Quỹ bảo hiểm hạt nhân tại Đài Loan

26/06/2014 14:50:00

Khảo sát kinh nghiệm về xây dựng và vận hành Quỹ bảo hiểm hạt nhân tại Đài Loan                                         

Tháng 10 năm 2013, Cục QLBH có Đoàn công tác khảo sát kinh nghiệm về xây dựng và vận hành Quỹ bảo hiểm hạt nhân tại Đài Loan. Kết quả khảo sát như sau:

1. Khái quát tình hình thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Đài Loan

a. Tình hình thị trường bảo hiểm Đài Loan nói chung

Thị trường bảo hiểm Đài Loan hiện nay có 17 DNBH phi nhân thọ và 6 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, 24 DNBH nhân thọ và 7 chi nhánh DNBH nhân thọ nước ngoài.

Tại thời điểm 31/12/2012

- Tổng doanh thu phí bảo hiểm trên thị trường là 2,599 tỷ Đài tệ, xấp xỉ 9,8% GDP, trong đó: phí bảo hiểm phi nhân thọ là 121 tỷ đài tệ chiếm 5% tổng doanh thu phí toàn thị trường, phí bảo hiểm nhân thọ là 2.478 tỷ Đài tệ chiếm 95% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường. Bồi thường bảo hiểm gốc phi nhân thọ là 61 tỉ Đài tệ.

- Tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm là 14.993 tỷ Đài tệ trong đó phi nhân thọ 281 tỷ Đài tệ, nhân thọ 14.712 tỷ Đài tệ.

- Lợi nhận hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ 9,7 tỷ Đài tệ, lợi nhận hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ 36,3 tỷ Đài tệ.

b. Sơ lược tình hình bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Đài Loan

Hiện nay, Đài Loan có 3 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động: Chinshan, Kuosheng, Maanshan, mỗi nhà máy có 2 lò phản ứng; Nhà máy điện hạt nhân thứ 4 là Lungmen đang được xây dựng. Các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động cung cấp khoảng 12,8% năng lượng điện cho Đài Loan.

Việc bảo hiểm cho các nhà máy điện hạt nhân nói trên được thực hiện thông qua Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Đài Loan (Nuclear Energy Insurance Poll, R.O.C) được triển khai từ năm 1974 (từ khi nhà máy điện nguyên tử đầu tiên bắt đầu được xây dựng). Ngoài việc bảo hiểm cho thị trường trong nước, Quỹ còn nhận tái bảo hiểm của thị trường bảo hiểm năng lượng nguyên tử nước ngoài. Trong các năm vừa qua, doanh thu phí bảo hiểm năng lượng nguyên tử (bao gồm bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm) tương đối ổn định (khoảng gần 6 triệu USD); tỷ lệ bồi thường trong nước thấp (tại Đài Loan, kể từ khi các nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động chưa xảy ra vụ tổng thất đáng kể nào), tỷ lệ bồi thường nhận tái bảo hiểm nước ngoài không cao (cao nhất là năm 2012 là 12% do tổn thất nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản). Tình hình kinh doanh bảo hiểm năng lượng nguyên tử (NLNT) tại Đài Loan giai đoạn 2008-2010 như sau

Tiêu chí

2008

2009

2010

2011

2012

Doanh thu nội địa (triệu đô la Mỹ)

5,3

5

5,8

6,1

5,8

Doanh thu nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài (triệu đô la Mỹ)

5

4,2

3,6

4,2

3,7

Tỷ lệ bồi thường nội địa (%)

0

2

0

1

0

Tỷ lệ bồi thường thị trường nước ngoài (%)

4

3

2

6

12

 

Từ khi thành lập đến nay, năng lực cung cấp bảo hiểm của Quỹ không ngừng tăng lên (mức trách nhiệm bảo hiểm năm 2009 gần 30 triệu USD, năm 2013 gần 40 triệu USD). Tuy nhiên, phần lớn mức trách nhiệm bảo hiểm NLNT phải tái bảo hiểm cho thị trường Quốc tế. Tỷ lệ giữ lại chỉ đạt khoảng 6-7%. Nhà nhận tái bảo hiểm đứng đầu là British Pool.

2. Quy định pháp luật Đài Loan về bồi thường thiệt hại hạt nhân và bảo hiểm NLNT

a. Về bồi thường thiệt hại hạt nhân

Luật bồi thường thiệt hại hạt nhân của Đài Loan (Điều 7 và Điều 24) quy định:

+ Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân đối với bên thứ ba của mỗi cơ sở nhật nhân trong mỗi sự cố hạt nhân là 4,2 tỷ Đài tệ (tương đương khoảng 143 triệu USD).

+ Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại vận chuyển nguyên liệu hạt nhân đối với bên thứ ba là 210 triệu Đài tệ đến 840 triệu Đài tệ (tùy loại nguyên liệu hạt nhân), tương đương khoảng 7 triệu USD đến 28 triệu USD.

Pháp luật Đài Loan không quy định bảo hiểm trách nhiệm của chủ cơ sở hạt nhân đối với môi trường trong trường hợp có thiệt hại hạt nhân.

b. Về bảo hiểm năng lượng nguyên tử

- Chủ cơ sở hạt nhân và bên vận chuyển nguyên liệu hạt nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra sự cố về hạt nhân. Họ có thể lựa chọn 1 trong 2 phương thức: hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc sử dụng các hình thức bảo đảm tài chính (ký quỹ, bảo lãnh…).

- Bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Đài Loan không phải là loại bảo hình bảo hiểm bắt buộc, bao gồm:

+ Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại năng lượng nguyên tử đối với bên thứ ba của chủ cơ sở hạt nhân, Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại vận chuyển nguyên liệu hạt nhân đối với bên thứ ba.

+ Bảo hiểm tài sản nhà máy điện hạt nhân.

Đối tượng tham gia bảo hiểm: Chủ lò phản ứng hạt nhân và các đối tượng vận chuyển nguyên liệu hạt nhân.

- Về quy tắc, điều khoản, biểu phí của bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân: Quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm này do các doanh nghiệp bảo hiểm tự triển khai xây dựng và trình Ủy ban quản lý, giám sát bảo hiểm  Đài Loan phê chuẩn trước khi cung cấp trên thị trường.

3. Về hoạt động của Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử tại Đài Loan (NEIPROC)

a. Hình thức pháp lý của Quỹ

Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử Đài Loan (Nuclear Energy Insurance Pool, R.O.C, viết tắt là NEIPROC, sau đây gọi tắt là Quỹ) được thành lập từ năm 1974, thực hiện chức năng bảo hiểm và tái bảo hiểm. Quỹ không có tư cách pháp nhân, do các công ty bảo hiểm tự nguyện liên kết hoạt động dưới hình thức đồng bảo hiểm. Hiện nay, Quỹ có 13 thành viên là các DNBH phi nhân thọ.

Công ty Chung Kuo là DNBH phi nhân thọ được giao trách nhiệm là đầu mối cấp đơn bảo hiểm, điều hành hoạt động của Quỹ. Pháp luật Đài Loan không có quy định pháp lý riêng về việc thành lập Quỹ.

Về nguyên tắc, mọi DNBH phi nhân thọ được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Đài Loan đều có thể trở thành thành viên của Quỹ. Pháp luật Đài Loan không quy định tiêu chí nhất định, các DNBH tự nguyện tham gia theo khả năng tài chính.

b. Cơ cấu tổ chức của Quỹ

Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm:

- Hội đồng Quỹ: gồm đại diện các DNBH, là bộ phận đứng đầu của Quỹ. Hội đồng Quỹ họp định kỳ hàng năm để quyết định phương hướng hoạt động của Quỹ.

- Ban điều hành Quỹ: gồm 5 người được bầu từ Hội đồng Quỹ, có nhiệm kỳ 3 năm. Nhiệm vụ chủ yếu: kiểm duyệt tư cách các thành viên, nguyên tắc phối hợp giữa các thành viên, kiểm duyệt ngân sách và báo cáo thường niên của Quỹ.

- Ban kiểm sát Quỹ: gồm 2 thành viên được lựa chọn từ Hội đồng Quỹ, có nhiệm kỳ 3 năm. Nhiệm vụ chủ yếu: kiểm duyệt báo cáo thường niên; kiểm toán các tài khoản, kiểm tra các tài liệu và tài sản của Quỹ.

- Bộ phận hành chính Quỹ: khoảng 9 người, do Công ty bảo hiểm Chung Kuo (được ủy quyền) thực hiện. Nhiệm vụ chính là thực hiện các công việc hành chính; thẩm định, thu xếp bảo hiểm và tái bảo hiểm trong lĩnh vực NLNT; thực hiện các báo cáo quý và các vấn đề kế toán liên quan; thu xếp chuyên gia nước ngoài thẩm định kỹ thuật và định phí bảo hiểm…

c. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ

Quỹ chỉ có trách nhiệm quản lý việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm, thu xếp tái bảo hiểm cũng như phân bổ mức trách nhiệm bảo hiểm cho từng thành viên. Hội đồng Quỹ sẽ quyết định tỷ lệ phân bổ hàng năm tùy theo năng lực tài chính của từng thành viên.

d. Tài chính của Quỹ

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không có lợi nhuận. Kinh phí hoạt động của Quỹ được trích từ phí quản lý trả cho Công ty Chung Kuo là 2,5% trên ổng phí bảo hiểm NLNT thu xếp được.

e. Về giám sát hoạt động của Quỹ

Cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm Đài Loan giám sát trên nguyên tắc đảm bảo các DNBH tham gia QUỹ thực hiện các cam kết với khách hàng.

f. Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quỹ

- Quy trình thu xếp bảo hiểm của Quỹ

Hàng năm, các thành viên của Quỹ tự đánh giá năng lực cung cấp bảo hiểm của mình đối với mỗi loại hình bảo hiểm NLNT và gửi bản chào cho Quỹ. Ban điều hành Quỹ sẽ phê duyệt tỷ lệ nhận bảo hiểm của mỗi thành viên trên tổng mức trách nhiệm bảo hiểm NLNT của thị trường bảo hiểm. Trường hợp một thành viên mất khả năng thanh toán, trách nhiệm bảo hiểm của thành viên này sẽ được chuyển giao cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ đã nhận bảo hiểm của từng thành viên.

Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Chung Kuo đứng ra ký kết cac hợp đồng bảo hiểm NLNT (leader) và thu xếp tái bảo hiểm, sau đó chuyển 100% phí bảo hiểm giữ lại cho cá thành viên của Quỹ tùy theo năng lực tài chính của mỗi thành viên.

- Loại hình sản phẩm bảo hiểm

+ Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại năng lượng nguyên tử đối với bên thứ ba của chủ cơ sở hạt nhân, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại vận chuyển nguyên liệu hạt nhân đối với bên thứ ba (mức trách nhiệm 38 triệu USD không bao gồm rủi ro khủng bố và 19 triệu USD nếu bao gồm cả rủi ro khủng bố), trong đó:

++ Trách nhiệm bảo hiểm bao gồm: trách nhiệm đối với bên thứ ba bị thương tật hoặc chết, trách nhiệm với tài sản của bên thứ ba bị thiệt hại do sự có hạt nhân gây ra trong thời hạn bảo hiểm;

++ Phạm vi bảo hiểm: bao gồm cả rủi ro thiên tai và rủi ro khủng bố;

++ Loại trừ bảo hiểm: Thông thường, trách nhiệm chủ sử dụng lao động đối với nhân viên thực hiện công việc phóng xạ là rủi ro bị loại trừ, tuy nhiên nếu bên mua bảo hiểm yêu cầu và trả thêm phí mua bảo hiểm trách nhiệm đối với nhân viên thì loại trừ này sẽ được chuyền thành điều khoản sửa đổi bổ sung.

+ Bảo hiểm tài sản nhà máy điện hạt nhân, trong đó:

++ Đối tượng bảo hiểm bao gồm: lò phản ứng hạt nhân, nhiên liệu đang trong lò phản ứng, các công trình xây dựng, thiết bị điện, chi phí xây dựng lắp đặt, nguyên liệu trữ trong kho, nhiên liệu đang xử lý…;

++ Phạm vi bảo hiểm: rủi ro cháy, nổ, tăng áp suất đột ngột của lò phản ứng hạt nhân do sự cố của hệ thống làm lạnh …;

++ Loại trừ bảo hiểm: thiên tai, khủng bố, lợi nhận kinh doanh.

Ngoài ra còn một số loại hình bảo hiểm tài sản nhà máy điện nguyên tử, bảo hiểm nhiễm xạ, bảo hiểm con người và bảo hiểm đặc biệt khác khi xây dựng lắp đặt cho các nhà máy điện nguyên tử.