Thanh Hóa: Hàng trăm tàu cá của ngư dân đã được bảo hiểm

Thanh Hóa: Hàng trăm tàu cá của ngư dân đã được bảo hiểm 14/09/2016 17:51:00 2228

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thanh Hóa: Hàng trăm tàu cá của ngư dân đã được bảo hiểm

14/09/2016 17:51:00

(TBTCO) - Ngày 14/9 tại Thanh Hóa, đoàn công tác Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi làm việc với sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa về tình hình triển khai Nghị định 67/2014/ NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.

image

Toàn cảnh cuộc họp ngày 14/9

Hơn 550 tàu cá, 4.200 thuyền viên tham gia bảo hiểm

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện NĐ 67, đồng thwoif thành lập Ban chỉ đạo 67 ở cấp tỉnh, cấp huyện, kết hợp tăng cường tuyên truyền, tổ chức nhiều hội nghị giữa chủ tàu, đơn vị thiết kế, đơn vị cung ứng máy thủy, đơn vị đóng tàu để tạo điều kiện tiếp xúc, trao đổi hỗ trợ chủ tàu trong việc lựa chọn thiết kế tàu, loại máy và cơ sở đóng tàu…

Theo đó, về chính sách tín dụng tính đến ngày 31/8/2016, Sở NN&PTNN đã trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt 9 đợt danh sách các chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ là 80 chủ tàu/ 94 tàu (theo kế hoạch Bộ NN & PTNN phân bổ).

Đến nay Ngân hàng Nhà nước- chi nhánh Thanh Hóa đã ký hợp đồng tín dụng với 44 chủ tàu/ 80 chủ tàu, với tổng số tiền cam kết cho vay là 507 tỷ đồng và đã giải ngân 300 tỷ đồng. Trong 44 tàu đã hạ thủy và đang đóng có 21 tàu vỏ thép và 23 tàu vỏ gỗ.

Báo cáo từ các chủ tàu hạ thủy cho thấy, các tàu đang hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần đều có hiệu quả, các thuyền viên có thu nhập cao hơn so với làm việc trên các tàu trước đây.

Về chính sách bảo hiểm, phát biểu tại hội nghị, Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa Bùi Quang Tuyến cũng cho biết, Thanh Hóa làm rất tốt chính sách bảo hiểm thủy sản theo NĐ 67. Theo đó, năm 2015, tổng số tàu cá mua bảo hiểm thân tàu là 412 tàu, tổng số thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 3.196 thuyền viên. Kinh phí NSNN cấp trả bảo hiểm cho Công ty Bảo Việt Thanh Hóa là 5,7 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 4,75 tỷ đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 950 triệu đồng; đã bồi thường 5 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, có 139 tàu mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ; 1.055 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Theo đó, NSNN đã cấp trả Bảo Việt Thanh Hóa gần 2,6 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 2,25 tỷ đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên là 320 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh mở các lớp đào tạo, hướng dẫn thuyền viên; hỗ trợ đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới… Đến nay đã đào tạo 11 lớp, trong đó có 3 lớp thuyền trưởng, 2 lớp máy trưởng, 6 lớp thuyền viên; tổng số học viên gần 400 người.

Tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia NĐ 67

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN & PTNN Hoàng Thị Yến khẳng định, việc thực hiện chính sách bảo hiểm theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt kết quả tích cực. Các sở, ban ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bảo Việt Thanh Hóa tuyên truyền vận động người dân từ huyện, xã, thôn tích cực tham gia bảo hiểm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hỷ, đại diện Bảo Việt Thanh Hóa cho biết, công tác cấp bù NSNN được tỉnh Thanh Hóa làm rất nhanh chóng. Đại diện Bảo Việt Thanh Hóa cũng mong muốn trong thời gian còn hiệu lực của NĐ 67, các sở ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bảo Việt Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm tàu và tai nạn thuyền viên, bởi nhiều người dân có suy nghĩ mua bảo hiểm sẽ hay gặp rủi ro.

Khi hết thời hạn hiệu lực của NĐ 67, ông Hỷ cũng mong muốn có chính sách tiếp tục hỗ trợ ngư dân một phần phí bảo hiểm để ngư dân có thể tham gia bảo hiểm, yên tâm vươn khơi bám biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Yến cũng thừa nhận việc triển khai thực hiện NĐ 67 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đóng mới tàu bởi chủ tàu không chứng minh được nguồn vốn đối ứng…

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thanh An cho biết năng lực tài chính của các chủ tàu không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng cũng rất khó cho vay vì liên quan đến khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, ông An cũng kiến nghị Bộ đề xuất Chính phủ cho tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với những tàu đã giải ngân trong năm 2016.

Ban Chỉ đạo triển khai NĐ 67 tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tỉnh sớm xem xét các hồ sơ đủ điều kiện, không đủ điều kiện vay vốn để thông báo cho các chủ tàu…

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đề nghị địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh tuyên truyền việc tham gia bảo hiểm tàu cá, đặc biệt là bảo hiểm bắt buộc thuyền viên theo NĐ 67; kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án vay vốn đóng mới tàu.../.

Hồng Chi

(Thời báo Tài chính điện tử)