Bắc Giang sẽ có 10 huyện, thành phố tham gia chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với chăn nuôi lợn

Bắc Giang sẽ có 10 huyện, thành phố tham gia chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với chăn nuôi lợn 29/08/2022 11:17:00 712

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bắc Giang sẽ có 10 huyện, thành phố tham gia chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với chăn nuôi lợn

29/08/2022 11:17:00

Ngày 23/8, Đoàn công tác do Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) chủ trì, phối kết hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã đến và làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang để triển khai thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Bổ sung lợn vào đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm chia sẻ thông tin về các quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP, cũng những điểm mới về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm phát biểu tại buổi làm việc

Ông Huyền cho biết, kể từ tháng 8/2019, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) tổ chức các Hội nghị phổ biến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp cho các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); tổ chức các Hội thảo khoa học về xây dựng sản phẩm bảo hiểm thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và về triển khai bảo hiểm nông nghiệp với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan, đại diện của các địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và DNBH tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) tổ chức các đoàn công tác liên ngành tại địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực tế và kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn; đến nay đã tổ chức làm việc tại 13/19 tỉnh thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg. Một số địa phương cho biết đã hoàn thành phê duyệt đối tượng được hỗ trợ.

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý Bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền cho biết những điểm mới về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như bổ sung thêm các đối tượng bảo hiểm. Theo đó, ở mảng cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi thì bên cạnh trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bổ sung thêm cá tra bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Điều này đã tạo điều kiện cho người nông dân có thêm lựa chọn để tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Bắc Giang đã sẵn sàng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ có 161 xã, phường tại Bắc Giang tham gia bảo hiểm đối với chăn nuôi lợn

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính, Hội Nông dân tỉnh và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND lựa chọn, công bố địa bàn các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với chăn nuôi lợn trên địa bàn. Theo Quyết định này, tỉnh Bắc Giang sẽ có 10 huyện, thành phố (tổng số là 161 xã, phường, thị trấn tham gia).

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các tỉnh cơ quan, địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lượn trên địa bàn.

Theo ông Thành, sở dĩ tỉnh Bắc Giang chọn đối tượng bảo hiểm là lợn vì tỉnh có đàn lợn khá lớn, nhiều năm liền nằm trong top 10 tỉnh, thành có đàn lợn dẫn đầu cả nước. Trong giai đoạn 2012 – 2016, Bắc Giang đứng thứ 5 toàn quốc về tổng đàn lợn, dao động khoảng từ 1,2 đến 1,3 triệu con. Tuy nhiên, năm 2017, do giá xuống thấp khiến đàn lợn giảm; sang năm 2019 bị ảnh dịch tả lợn châu Phi khiên đàn lợn tiếp tục giảm còn 600 nghìn con. Năm 2020, khi dịch được khống chế, đàn lợn của tỉnh đã tăng trở lại lên trên 900 nghìn con (cuối năm 2020). Từ 2021 – 2022, đàn lợn tại Bắc Giang duy trì ổn định khoảng 1 triệu con.

Cũng theo Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở đã triển khai, giao nhiệm vụ cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện chính sách, tổ chức tuyên truyền, triển khai chinh sách bảo hiểm nông nghiệp đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở là cơ quan tổng hợp, thẩm định kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn.

Cần sớm hoàn thiện sản phẩm

Để việc triển khai sớm đi vào thực tiễn, ông Lê Bá Thành cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm sớm công bố sản phẩm cụ thể, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm đã triển khai các sản phẩm tương tự trên thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cán bộ hiểu rõ hơn để tuyên truyền và hướng dẫn người dân triển khai.

Toàn cảnh buổi làm việc

“Khi nắm được sản phẩm thì các cơ quan mới tập huấn cho các cán bộ để xuống tuyên truyền cho người dân. Các doanh nghiệp cần sớm có sản phẩm để triển khai sớm. Vấn đề thiết kế gói, tổ chức triển khai cần phải có lộ trình cụ thể” – Ông Lê Bá Thành chia sẻ.

Tiếp lời ông Lê Bá Thành, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, hiện nay các sản phẩm hiện đang được xây dựng. Tuy nhiên, để sản phẩm sát với thực tiễn của địa phương, các doanh nghiệp cần địa phương cung cấp số liệu thống kê cụ thể. “Sản phẩm bảo hiểm này sẽ tương đối mới với người dân Việt Nam, mục tiêu xây dựng sản phẩm của các doanh nghiệp đều dựa trên tiêu chí hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân, người dân phải thấy sản phẩm có lợi, có ích thì mới tích cực tham gia” – Đại diện Tổng Công ty Bảo Minh nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm bám sát địa bàn, nỗ lực, quyết tâm, sớm hoàn thiện sản phẩm cụ thể để mang lại hiệu quả triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở mức cao nhất.

“Để đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích hài hòa giữa các bên; nên sản phẩm bảo hiểm phải công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và dễ làm; vừa đảm bảo việc lấy quyền lợi cho người nông dân là trung tâm, nhưng cũng phải hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và khả năng cân đối, chi trả của ngân sách nhà nước” - ông Nguyễn Quang Huyền chia sẻ.

Ông Huyền cũng cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý ở Trung ương sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu Chính phủ có sự điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, cũng như các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo hướng tiết giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn cho người tham gia./.

Kim Chung

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%